Chỉ thị nêu rõ, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới và các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về hiện đại hóa các mặt công tác của lực lượng CAND, chuyển đổi số, áp dụng triệt để khoa học, công nghệ trong các mặt công tác, xây dựng quy hoạch tổng thể chung về tuyến đường thủy và vận tải đường thủy gắn liền công tác bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội và phòng ngừa tội phạm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu: Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT và trật tự xã hội trên đường thủy, phân công trách nhiệm triển khai thực hiện đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành”; xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân và chịu trách nhiệm về tình hình, kết quả công tác thuộc phạm vi, địa bàn quản lý.

Công an các đơn vị, địa phương tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đường thủy, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa phù hợp tình hình mới, theo hướng phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng ngành, từng cấp, tổ chức tốt công tác quản lý, điều hành giao thông thủy, các quy tắc giao thông, biển báo hiệu, điều kiện phương tiện, thuyền viên, các biện pháp đảm bảo an toàn..., đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy trình công tác liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên đường thủy tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát đường thủy, phân công phân cấp cụ thể tuyến, địa bàn của từng cấp, từng đơn vị và gắn trách nhiệm với tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trên đường thủy sát với tình hình thực tiễn, tập trung các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn, như: chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người quy định, vi phạm về thiết bị an toàn, vi phạm về đăng ký, đăng kiểm phương tiện...

Đơn vị, địa phương nào để tình hình vi phạm phức tạp để dư luận, báo chí phản ánh; xảy ra tai nạn giao thông thủy đặc biệt nghiêm trọng do có vi phạm mà không được phát hiện, xử lý kịp thời phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ.

Tiếp tục đổi mới phương thức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên đường thủy. Bố trí hợp lý lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ đảm bảo giải quyết các tình huống phức tạp và chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến đường thủy. Tổ chức các kế hoạch xuyên suốt và cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự xã hội trên đường thủy, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy như: bến, bãi không phép, hết thời hạn hoạt động, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông vi phạm về giao thông thủy...; rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông đường thủy, tổ chức giao thông để kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, bố trí phân công, phân cấp, gắn trách nhiệm cụ thể tới từng cấp, từng đơn vị và xem xét đánh giá hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản với các mặt công tác nghiệp vụ khác. Đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên đường thủy, không để các đối tượng lợi dụng tuyến đường thủy để thực hiện tội phạm và vi phạm pháp luật. Chủ động trao đổi thông tin giữa các lực lượng, đơn vị, địa phương để nắm bắt thông tin của các đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật trên đường thủy, nhất là các tuyến đường thủy giáp ranh, tuyến ven biển, xác lập chuyên án trinh sát để đấu tranh, triệt phá, bắt giữ các tụ điểm, băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động bảo kê, tổ chức buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa, khai thác khoáng sản trái phép (cát, sỏi) trên đường thủy. Nếu để xảy ra hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật phức tạp trên địa bàn được phân cấp quản lý mà không kịp thời phát hiện, đưa vào diện quản lý để các đơn vị khác phát hiện, bắt giữ sẽ xử lý trách nhiệm trong việc bỏ trống, lọt địa bàn, đối tượng.
Chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi thi hành công vụ, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện quy định của pháp luật, quy trình và chế độ công tác, điều lệnh CAND của CBCS để nâng cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm và tội phạm; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và Bộ Công an, xây dựng tác phong ứng xử có văn hóa, tạo hình ảnh đẹp thân thiện của lực lượng Cảnh sát đường thủy đối với người tham gia giao thông trên đường thủy.

Thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, coi trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất và thanh tra đặc biệt nhằm chấn chỉnh việc thực thi pháp luật, quy trình công tác, tư thế, tác phong và văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ trong khi thi hành nhiệm vụ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Rà soát, đánh giá, sắp xếp đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới; bố trí các nguồn lực đảm bảo điều kiện hoạt động phục vụ công tác bảo đảm TTATGT và trật tự xã hội trên đường thủy, phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ... Trong đó tập trung xây dựng triển khai Đề án cảng, bến thủy Công an nhân dân, quy hoạch tổng thể bến cảng thủy trên toàn quốc; trang bị tàu, xuồng tuần tra, kiểm soát, bảo đảm phù hợp với từng vùng miền, địa bàn sông, biển và xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ công tác thực tế; bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết hợp việc mua sắm mới các trang thiết bị, phương tiện và tận dụng những phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện có hoặc được nước ngoài viện trợ.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người tham gia giao thông chấp hành quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền, địa bàn (sông, biển, hồ, đập...).
Tập trung tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, chủ bến khách, người tham gia giao thông về trang bị và cách sử dụng áo phao, dụng cụ cứu sinh; chủ mỏ, chủ cảng, bến thủy nội địa, người quản lý phương tiện vận tải thủy ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về giao thông đường thủy, khai thác khoáng sản (cát, sỏi), vận tải hàng hóa, đón trả hành khách. Phát động toàn dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự và trật tự, an toàn giao thông trên đường thủy. Tuyên truyền kết quả xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm để răn đe, phòng ngừa chung; đồng thời đưa tin những gương người tốt, việc tốt, hình ảnh đẹp của lực lượng Cảnh sát đường thủy khi thực thi công vụ.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an giao Cục CSGT chủ trì các nhiệm vụ, phối hợp với các cục chức năng và Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả.