Nếu tháng 7 cơ quan chức năng đưa ra xét xử đồng loạt các vụ án thì sẽ có 85 trung tâm đăng kiểm đóng cửa. Theo đó, 100% trung tâm đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM phải dừng hoạt động.
Chiều 20/5, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ tình hình đăng kiểm và tỏ ra lo ngại về khả năng ùn ứ vào các tháng tới.
Hiện nay trên cả nước có 274/294 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới với 446/546 dây chuyền kiểm định đang hoạt động với công suất kiểm định tối thiểu 642.240 phương tiện/tháng.
Số lượng đơn vị đăng kiểm và dây chuyền kiểm định nêu trên nếu vận hành, hoạt động bình thường sẽ hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc trong năm nay.
Tuy nhiên, ông An cho biết, việc phân bổ các trung tâm đăng kiểm không đồng đều cộng với số phương tiện thuộc nhóm được miễn, giãn chu kỳ đã đến hạn kiểm định lại… là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ ùn ứ cục bộ phương tiện kiểm định.
Tình trạng này sẽ diễn ra vào các tháng giữa và cuối năm 2024 tại 11 địa phương gồm: Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP.HCM và Trà Vinh. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. HCM, tình trạng ùn ứ cục bộ trong ngày đã diễn ra vào thời gian qua.
Theo thống kê, cả nước có 900 đăng kiểm viên bị khởi tố, số người bị khởi tố hiện vẫn đang tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định là 291 người. Trong đó, Hà Nội có 113 đăng kiểm viên bị khởi tố đang làm việc, TP. HCM là 54 người.
Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An. Ảnh: N. Huyền
Ông An lo ngại tình trạng thiếu nhân lực đăng kiểm nếu tới đây các địa phương đồng loạt đưa ra xét xử những vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm. Ông lấy dẫn chứng tại Hà Nội, hiện có 28/31 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với tổng số 204 đăng kiểm viên. Trong số 204 đăng kiểm viên này có tới 113 người (chiếm 55%) đã bị khởi tố nhưng vẫn đang làm việc, tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định.
“Trường hợp khi tòa án đưa ra xét xử đồng loạt trong thời gian tới (nếu diễn ra trong 1 tháng, dự kiến tháng 7 xét xử) sẽ ảnh hưởng rất lớn do các đăng kiểm viên phải dự phiên xét xử. Chỉ còn 91 đăng kiểm viên của 28 trung tâm đăng kiểm thực hiện kiểm định. Kéo theo đó, sẽ có 9 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động do không đủ đăng kiểm viên. Với 19 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động với công suất kiểm định trong tháng khoảng 35.880 phương tiện thì chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu kiểm định trong tháng 7”, ông An cho biết.
Ngoài ra, nếu đăng kiểm viên bị kết án thì Cục phải thực hiện thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên dẫn đến việc sẽ có 27/28 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động bị tạm đình chỉ 3 tháng. Như thế, nguy cơ ùn tắc tại Hà Nội càng trở nên rõ ràng hơn.
Nguy cơ tái diễn ùn tắc đăng kiểm tại 11 tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Thiện Lương
Tương tự, tại TP.HCM, hiện có 18/19 trung tâm đang hoạt động thì có tới 54/146 đăng kiểm viên bị khởi tố. Nếu toà đưa ra xét xử đồng loạt sẽ có 3 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động do không đủ người làm việc.
Trường hợp các đăng kiểm viên bị kết án, Cục phải thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên dẫn đến có 16/18 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động sẽ bị tạm đình chỉ 3 tháng.
“Nếu trong tháng 7 cơ quan chức năng đưa ra xét xử đồng loạt các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm dự báo sẽ có 85 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa trong thời gian 3 tháng. Như vậy 100% trung tâm đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM sẽ phải dừng hoạt động. Nguy cơ ùn tắc tại các địa phương chắc chắn sẽ xảy ra, đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai”, ông An thông tin.
Ông An đề xuất cơ quan chức năng không xét xử đồng thời các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm; cho phép sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP với trình tự, thủ tục rút gọn, theo hướng loại trừ trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm.